
Hình ảnh Cổng tam quan, Nhà văn bia, Tháp chính đền Bến Dược đã trở nên quen thuộc với du khách
TP.HCM xúc tiến lập hồ sơ Di sản vật thể thế giới, Di tích địa đạo Củ Chi được chọn
Năm 2020, TP.HCM chính thức xúc tiến quá trình lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận Khu di tích địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.
Trong công văn 1941/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.HCM nêu, hiện thành phố có 177 di tích được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt; 56 di tích quốc gia; 119 di tích cấp thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh chưa có di tích nào được công nhận là di sản thế giới. Qua khảo sát, UBND thành phố nhận thấy Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có những tiềm năng để xem xét nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thể giới. Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2367/QĐ-TTg ngày 23.12.2015, có những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Nơi đây là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong công văn 3427/UBND-VX ngày 5.9.2020 gửi Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc-UNESCO (tiêu chí i: là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; tiêu chí iv: là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật, minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại; tiêu chí v: là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người…)”.
Thực tế Di tích địa đạo Củ Chi là một cụm công trình. Theo trang web của Cục Di sản văn hóa tại địa chỉ dsvh.gov.vn, trên cơ sở khoanh vùng bảo vệ, hiện trạng của khu di tích được xác định gồm có Căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định (Khu A), Cụm công trình gồm ụ thông hơi và hai miệng địa đạo - đoạn dẫn ra sông Sài Gòn Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (Khu B), Địa đạo Bến Đình, Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Khu tái hiện vùng giải phóng và Khu vực mô phỏng cảnh quan kiến trúc Biển Đông, Nhà trưng bày sa bàn Trận càn Cedar Falls; Đền thờ thuộc Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Theo cuốn Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (1948- 2018), NXB Chính trị quốc gia tháng 2.2020 thì đền Bến Dược là điểm nhấn của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Khâm phục một tầm nhìn
KTS Khương Văn Mười, người chủ trì thiết kế Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược nằm trong cụm di tích trên kể lại, hồi mới giải phóng, ông được theo chân đoàn của Hội Trí thức yêu nước tham quan địa đạo Củ Chi cùng chú Sáu Dân, lúc đó làm Bí thư thành ủy. “Tôi nhớ phong cảnh khu địa đạo lúc đó giống như sa mạc, bom, mìn chưa rà phá hết. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đi theo đường mòn thành một hàng dọc, không được ra khỏi hàng, người đi đầu là một du kích, người đi cuối cũng là một du kích. Khi đó thành phố chưa lập Hội Kiến trúc sư, chính trong bối cảnh đó, nghe chú Sáu Dân giao các anh chị trong Hội Trí thức yêu nước làm kế hoạch xây dựng một khu du lịch quốc tế, tôi còn thắc mắc hỏi, chỗ này như vậy thì lấy gì làm du lịch? Lúc đó chú Sáu mới giải thích ý nghĩa của địa đạo và nói về ý tưởng làm khu du lịch”, KTS Khương Văn Mười nhớ lại.
Năm 1988 Hội Kiến trúc sư thành phố được thành lập. Theo “Bảng chi tiết thời gian việc xây dựng đền Bến Dược”, năm 1989 Khu di tích địa đạo Bến Dược Củ Chi được thành lập. Tháng 5.1991 đổi tên thành Khu du lịch địa đạo Củ Chi. Ngày 9.7.1991 trung tá Trần Đình Dũng, giám đốc đầu tiên của Khu di tích địa đạo Củ Chi ký văn bản xin thành lập “Đền tưởng niệm Bến Dược Củ Chi”. Ngày 10.8.1991, UBND TP.HCM chấp thuận lập Đền tưởng niệm tại Khu du lịch địa đạo Củ Chi. Trong năm 1991 và 1992, các dự thảo luận chứng khái quát về xây dựng đền tưởng niệm, thành lập ban quản trị quỹ xây dựng đền tưởng niệm… được tiến hành với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của ông Trần Văn Nguyên (Mười Nguyên), nguyên là bí thư huyện Củ Chi và ông Lê Thanh Hải (Mười Hải) nguyên là giám đốc Sở Nhà đất thời kỳ đó. KTS Khương Văn Mười cho biết, Hội Kiến trúc sư thành phố thời gian đó do KTS Lê Văn Năm làm chủ tịch, KTS Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm phó chủ tịch đã tổ chức cuộc thi tuyển. Phương án của KTS Khương Văn Mười được chọn. Ngày 10.2.1993, ban quản trị khu du lịch cùng Hội Kiến trúc sư thành phố thống nhất thông qua đề án thiết kế do KTS Khương Văn Mười trình bày. Sau đó KTS Khương Văn Mười còn có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các vị lãnh đạo như bí thư thành ủy Võ Trần Chí, tướng Trần Hải Phụng, tướng Tô Ký và các ông Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Dương Văn Đầy… để trình bày. Phương án được chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi nhiều lần mới hình thành 6 hạng mục chính như hiện nay gồm cổng chính, văn bia, vườn tượng, đền tưởng niệm, tháp, tầng ngầm. Đền Tưởng niệm Bến Dược được khởi công ngày 19.5.1993 và khánh thành giai đoạn 1 ngày 19.12.1995.
Ngày nay thì đền Bến Dược, Di tích địa đạo Củ Chi đã là một điểm đến quen thuộc với du khách và người dân thành phố. Kể lại quá trình thực hiện Đền tưởng niệm Bến Dược, KTS Khương Văn Mười không nói nhiều về việc thiết kế, xây dựng mà ông bày tỏ sự khâm phục đối với tầm nhìn của lãnh đạo và nhấn mạnh đến sự tham gia đóng góp công sức, trí tuệ tập thể của rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân. Một trong những hạng mục quan trọng phải qua cuộc thi bài bản là thi chọn bài văn bia cho đền Bến Dược.
Đền tưởng niệm Bến Dược đã là một điểm đến xuất hiện trong nhiều tour, tuyến du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM
Cuộc thi văn bia qua lời kể của người trong cuộc
Theo tài liệu của ông Võ Ngọc An, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, nguyên phó ban tổ chức cuộc thi viết văn bia thì cuộc thi được phát động ngày 28.3.1994 kéo dài đến hết 28.2.1995. Ban giám khảo gồm GS Trần Văn Giàu, GS Lê Trí Viễn, nhà thơ Bảo Định Giang, Thượng tọa Thích Trí Quảng, Linh mục Trương Bá Cần. Cuộc thi nhằm tìm ra bài hay nhất với khoảng 500 từ để “khắc lên mặt bia kích thước 0,95m x 1,8m”. Sau gần 1 năm, ban tổ chức nhận được 217 bài dự thi từ 29 tỉnh thành trên cả nước trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi. Theo thể lệ thì cuộc thi có 1 giải nhất với giải thưởng 10 triệu đồng, 4 giải khuyến khích mỗi giải 2 triệu đồng nhưng kết quả chỉ chọn được 1 giải nhì thuộc về nhà thơ Viễn Phương và 3 giải khuyến khích. Bài văn bia giải nhì sau đó được ban giám khảo góp ý chỉnh sửa và khắc lên bia tại đền Bến Dược như hiện nay.
Ông Võ Ngọc An cho biết, kinh phí tổ chức cuộc thi được vận động từ các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp và các ân nhân nhưng trên thực tế thì tạp chí Kiến Thức Ngày Nay vừa làm truyền thông vừa lo kinh phí vừa tham gia tổ chức cuộc thi. Thể lệ cuộc thi ghi rõ “bài vở dự thi gửi về Bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay”.
Nhà báo Hàn Tấn Quang, chủ biên Kiến Thức Ngày Nay nhớ lại, tổng chi phí tổ chức cuộc thi là khoảng 120 triệu đồng, (giá vàng thời điểm đó khoảng 4,5 triệu đồng/lượng). Trên thực tế thì tạp chí Kiến Thức Ngày Nay là nhà tài trợ chính, lấy các nguồn thu từ tạp chí để ủng hộ cuộc thi chứ không có hợp đồng tài trợ - truyền thông đổi lại quyền lợi đăng logo hoặc thông tin doanh nghiệp như cách làm sự kiện thường thấy hiện nay.
Nhà báo Hàn Tấn Quang cho biết, Kiến Thức Ngày Nay và bản thân ông tham gia tài trợ cho cuộc thi là hoàn toàn vô tư, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước, đối với cuộc chiến đấu của dân tộc.
Là người được tham gia đọc các bài dự thi, nhà báo Hàn Tấn Quang nhìn nhận, có những bài giàu cảm xúc, am hiểu thực tế diễn biến chiến tranh ở khu địa đạo Củ Chi nhưng sự thể hiện văn chương chữ nghĩa chưa đủ để thuyết phục ban giám khảo. Ngược lại cũng có những bài văn chương chữ nghĩa trau chuốt nhưng sự am hiểu thực tế ở địa đạo Củ Chi lại chưa đủ. Nhà thơ Viễn Phương là trường hợp đặc biệt, ông vừa là nhà thơ lại vừa có quá trình gắn bó với Củ Chi từ chiến tranh nên bài văn bia của ông thuyết phục được ban giám khảo, đạt giải nhì (không có giải nhất) và trở thành bài văn bia được khắc tại một công trình lịch sử của thành phố.
Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua, Đền tưởng niệm Bến Dược - Khu di tích địa đạo Củ Chi giờ đã là điểm đến quen thuộc cho những chuyến du khảo, tham quan của người dân thành phố, của du khách trong và ngoài nước.
Hướng tới di sản vật thể thế giới
Thông tin thành phố xúc tiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Khu di tích địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới mang đến cảm xúc đặc biệt cho những người từng có thời gian gắn bó với các công trình ở Khu di tích địa đạo Củ Chi.
Ông Võ Ngọc An, quê gốc ở xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, đồng tác giả cuốn Địa đạo Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An - cái nôi của địa đạo Củ Chi giới thiệu nhiều tư liệu liên quan đến quá trình hình thành, bảo tồn địa đạo và khẳng định lại tính độc đáo của công trình. Bên trên mặt đất có những thời điểm bị bom đạn, chất độc hóa học khai quang, cây cối không sống nổi nhưng trong lòng đất là cả một xã hội thu nhỏ tồn tại với sự sống như bình thường, có lớp học, có hội họp, có y tế cứu thương. Hình thức cư trú thực sự là độc đáo, sáng tạo.
Nhà báo Hàn Tấn Quang cũng khẳng định tính độc đáo của Khu di tích địa đạo Củ Chi và cho rằng việc lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản vật thể thế giới là việc làm hợp lý, mang tính nhân văn cao.
Cũng giống như ý kiến của một số chuyên gia đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông, KTS Khương Văn Mười cho rằng việc chuẩn bị hồ sơ để đề nghị công nhận di sản vật thể thế giới với di tích chưa có tuổi thọ cao như Khu di tích địa đạo Củ Chi là không đơn giản, cần đầu tư công sức, thời gian làm hết sức bài bản, chi tiết. Nhưng KTS Khương Văn Mười cũng hy vọng, nhiều địa phương ở Việt Nam đã làm hồ sơ di sản thế giới và thành phố Hồ Chí Minh đã từng có quá trình chuẩn bị làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho đờn ca tài tử nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm.
Tất cả các ý kiến đều cho rằng nếu Khu di tích địa đạo Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Di sản vật thể thế giới thì đó không chỉ là sự thừa nhận giá trị của thế giới đối với công trình, với lịch sử mà còn mang tới cơ hội lớn cho sự phát triển của thành phố. Mong rằng ngày đó sẽ nhanh tới.

Bút tích nghiệm thu bài Văn bia Đền tưởng niệm Bến Dược trong tư liệu của ông Võ Ngọc An
- Ngày 24.3.2020, UBND TP.HCM ra quyết định 1043/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” nêu: “Tập trung lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận Khu di tích địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới”.
- Ngày 25.5.2020 UBND TP.HCM có công văn 1941/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
- Ngày 5.9.2020 UBND TP.HCM có công văn 3427/UBND-VX kiến nghị Bộ Quốc phòng về chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới.
- Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, phần “Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu”- tiểu mục “Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật…” có nội dung: “Đề xuất công nhận Di sản văn hóa vật thể thế giới đối với địa đạo Củ Chi”.
Bài HƯNG LONG ảnh THU VÂN